Đi tiểu buốt – Nguyên nhân và cách chữa trị bệnh tiểu buốt (đái buốt)
Đi tiểu buốt là gì
Tiểu buốt là một hiện tượng thường gặp ở cả nam giới và nữ giới, nhất là nam giới ở độ tuổi trung niên. Hiện tượng tiểu buốt làm cho người bệnh cảm thấy đau buốt mỗi khi đi tiểu, tình trạng kéo dài khiến cho người bệnh mệt mỏi, khó chịu và luôn cảm thấy bất an, dè chừng mỗi khi đi tiểu. Khi xuất hiện tình trạng này là do một số bộ phận đã bị viêm hoặc nhiễm trùng như niệu đạo, bàng quang hoặc thận.
Nguyên nhân gây đi tiểu buốt
Tiểu buốt có thể ở nam và nữ giới nguyên nhân gây bệnh tiểu buốt ở nam và nữ cũng không hoàn toàn giống nhau :
Nguyên nhân đi tiểu buốt đối với nữ giới
- Nữ giới: thường dễ mắc chứng này do vi khuẩn E.Coli dễ dàng xâm nhập lên bàng quang, qua đường niệu đạo vốn đã rất ngắn của phụ nữ. Ngoài ra một số động tác ví dụ như kích thích, ma sát trong quá trình giao hợp, biến chất của thuốc ngừa thai, của chất thải từ trong tử cung ra ngoài là những điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Cấu tạo niệu đạo ngắn, lỗ niệu đạo nằm gần hậu môn nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây bệnh hơn nam giới. Ngoài ra, một số bệnh lây lan qua đường tình dục cũng làm cho người bệnh đi tiểu buốt.
- Viêm nội mạc cổ tử cung: Cổ tử cung bị sung huyết, phù nề, tiểu tiện ra máu khi rặn tiểu,… mà viêm cổ tử cung có quan hệ mật thiết với âm đạo nên dễ gây ra tiểu buốt.
- Viêm niệu đạo không cụ thể: Có hiện tượng bong bì âm đạo, niêm mạc âm đạo sung huyết, đau dữ dội, cơ thể mệt mỏi, khí hư ra nhiều, khi dịch tiết do chứng viêm chảy ra ngoài làm kích thích cửa niệu đạo thì cũng sẽ gây ra tiểu buốt.
- Viêm âm đạo do vi khuẩn: Gây ngứa trong và ngòai âm đạo, có lúc xuất hiện khí hư dạng bột đậu, niêm mạc bị tổn thương hình thành viêm loét, kích thích lên âm đạo dẫn đến tiểu buốt.
- Ngoài ra, ở nữ giới, tiểu buốt còn do dị ứng với xà phòng, các dung dịch vệ sinh âm đạo, giấy vệ sinh, công cụ tránh thai… dẫn đến kích thích âm đạo.
Nguyên nhân đi tiểu buốt đối với nam giới
- Nam giới: bị tiểu buốt chủ yếu là do viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục và đường tiết niệu, do nhiễm trùng trong quá trình giao hợp làm cho người bệnh đi tiểu buốt, tiểu rát và có thể có mủ chảy ra ngoài. Nguyên nhân chủ yếu khiến nam giới bị viêm nhiễm là do quan hệ tình dục không an toàn, vệ sinh cơ quan sinh dục không sạch sẽ… Tuyến tiền liệt hoặc bờ bàng quang bị viêm có thể lây lan sang niệu đạo. Ngoài ra việc thông niệu đạo bằng dụng cụ y tế cũng có thể gây viêm.
- Do viêm đường tiết niệu: gồm viêm niệu đạo và viêm bàng quang. Đây là một dạng viêm nhiễm khá phổ biến mà nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn, điển hình nhất là vi khuẩn E.coli. Viêm đường tiết niệu sẽ khiến cho bàng quang bị kích thích gây nên chứng tiểu buốt, tiểu khó, tiểu ra máu và mủ, kèm theo tình trạng sốt (mức độ nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn).
- Do viêm tuyến tiền liệt: gồm viêm tuyến tiền liệt và phì đại tuyến tiền liệt. Các bệnh lý này thường gặp ở những nam giới trong độ tuổi trung niên. Nam giới tuổi càng lớn thì nguy cơ mắc phải các bệnh lý ngày càng cao. Triệu chứng điển hình của bệnh về tuyến tiền liệt là tình trạng đau buốt khi đi tiểu, tiểu khó, tia nước tiểu yếu, tiểu nhiều, đặc biệt là về đêm.
- Do viêm niệu đạo: Viêm hay nhiễm khuẩn niệu đạo thường khiến cho người bệnh có cảm giác đau buốt khi đi tiểu, tiểu khó, đi tiểu nhiều lần. Tình trạng viêm nhiễm này có thể xuất phát từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày, do mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, mụn rộp sinh dục, nhiễm khuẩn chlamydia…) hoặc do tác động từ vi khuẩn, nấm.
- Do viêm thận – viêm bể thận: Tình trạng viêm nhiễm là do viêm nhiễm ngược dòng từ bàng quang hoặc dòng máu lên. Viêm thận và viêm bể thận nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Cách chữa bệnh đi tiểu buốt
Khi có những biểu hiện như luôn có cảm giác muốn đi tiểu, đau bụng dưới, đau khi giao hợp, nước tiểu đục, thường chảy mủ vào buổi sáng, có thể sốt nặng hoặc sốt nhẹ, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Việc lựa chọn cách chữa bệnh tiểu buốt còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
Đối với nữ:
- Nếu tìm được vi trùng trong nước tiểu khi đó được chỉ định sử dụng các kháng sinh liều cao trong vài ngày cho tới khi khỏi hẳn.
- Có thể khám phụ khoa, làm các xét nghiệm về ống tiểu để xem có bị một số bệnh như sỏi bàng quang, sỏi thận, u trong niệu đạo hoặc âm hộ có bị tổn thương không. Đặc biệt phụ nữ mang thai nên được chữa trị cẩn thận.
- Nếu bị viêm âm hộ và niệu đạo cần phải đưa cả người chồng của mình đi chữa để không bị lây lại.
- Nếu đau vùng chậu, người run, sốt cao, cần phải được cấp cứu ngay vì đó là triệu chứng của bệnh viêm thận cấp tính.
- Trường hợp bị tái phát ở phụ nữ chứng tỏ niệu đạo dễ bị nhiễm trùng cần đi khám phụ khoa định kỳ để kiểm tra niệu đạo, chú ý giữ gìn bộ phận sinh dục.
Đối với nam giới:
Việc điều trị chứng viêm niệu đạo ở đàn ông cần phải dùng thuốc kháng sinh phù hợp với căn bệnh như: bệnh viêm niệu đạo mãn tính, chứng viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang…
- Đối với bệnh viêm bàng quang và viêm bể thận: Người bệnh có thể được các bác sĩ chỉ định dùng các loại thuốc kháng sinh đặc trị. Đối với trường hợp viêm bể thận nặng, người bệnh sẽ được tiêm một tĩnh mạch.
- Viêm niệu đạo: Được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Việc sử dụng loại thuốc nào, liều lượng ra sao phải theo sự chỉ định của các bác sĩ điều trị.
- Viêm thận – viêm bể thận: Trường hợp này người bệnh cần phải nằm viện để các bác sĩ tiến hành theo dõi và điều trị kịp thời.
- Bệnh lây qua đường tình dục: Nếu đái buốt do một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị các căn bệnh đó để giảm các triệu chứng của người bệnh.
Cách phòng tránh bệnh tiểu buốt
Để phòng tránh bệnh tiểu buốt, các bạn có thể lưu ý một số biện pháp sau:
- Chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như bộ phận sinh dục sạch sẽ, đúng cách.
- Nên thực hiện quan hệ tình dục an toàn. Trước và sau khi quan hệ nên đi tiểu để đẩy vi khuẩn ra khỏi cơ thể
- Không nên uống quá nhiều nước cũng như quá ít nước.
- Trong bữa ăn hàng ngày nên chú ý cung cấp nhiều rau xanh và hoa quả để giúp lợi tiểu và tăng lượng nước tiểu đẩy vi khuẩn ra ngoài.
- Tập thể dục để tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng.
- Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, giảm căng thẳng và stress, giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái.
- Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích
- Không nên nhịn tiểu, cố gắng đi tiểu khi có nhu cầu để tránh hiện tượng ứ đọng nước tiểu ở trong bàng quang.